CÁC BỆNH RĂNG MIỆNG Ở TRẺ MẦM NON CÁCH PHÒNG BỆNH

24/10/2023 11:18 SA

Ở độ tuổi nhỏ, trẻ em rất dễ gặp phải các bệnh liên quan tới răng miệng, bởi trẻ chưa nhận thức đủ tầm quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ răng miệng của mình. Chính vì vậy, phụ huynh cần phải tìm hiểu trang bị những kiến thức về những giai đoạn phát triển răng miệng cho trẻ nhằm giúp trẻ có được hàm răng khỏe đẹp. Bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn các bệnh răng miệng ở trẻ em thường gặp hiện nay.
1. Bệnh sâu răng
Sâu răng là bệnh lý phổ biến nhất và hầu như bé nào cũng mắc phải về răng miệng ở trẻ. Sâu răng thực chất là sự tiêu huỷ cấu trúc vôi hoá chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra. Sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp xe quanh cuống răng, sâu răng có thể làm vỡ răng, sâu răng làm giảm thẩm mỹ, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp.
Nguyên nhân dẫn tới sâu răng là do trẻ chưa vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách ngay từ bé. Do vậy, khi bé bắt đầu mọc răng, các bậc phụ huynh nên trang bị những kiến thức phòng chống sâu răng và hướng dẫn trẻ cách đánh răng cũng như chủ động bảo vệ răng. Hãy tạo thói quen cho trẻ tiếp xúc với nha sĩ trong những lần đi nhổ thay răng để bé không còn cảm giác lo.
sợ mỗi khi khám răng. Đặc biệt không nên cho trẻ em ăn các loại thức ăn chứa nhiều đồ ngọt.
2. Bệnh viêm lợi
Sau sâu răng, bệnh viêm lợi là bệnh về răng miệng mà trẻ thường gặp nhất. Đặc biệt, sâu răng và viêm lợi có mối tương quan mật thiết với nhau. Tình trạng lợi bị viêm gây ra đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Vì
lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì càng nặng hơn.
Viêm lợi chính là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng, khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy. Trong các túi lợi chứa đầy mảng bám cao răng và vi khuẩn sẽ dẫn đến tình trạng quá trình này diễn ra lâu và không được điều trị sẽ làm ảnh hưởng đến răng dẫn đến việc lung lay và rụng răng.
3. Bệnh viêm loét miệng
Tình trạng trẻ đánh răng quá nhiều, ăn nhiều thực phẩm có nhiều gia vị có tính axit các rối loạn đường ruột nghiêm trọng; suy giảm hệ thống miễn dịch…dễ khiến trẻ bị viêm loét miệng.
Viêm loét miệng là những tổn thương phát sinh ở vùng niêm mạc miệng và cổ họng gây đau đớn, rất khó chịu khi trẻ ăn, nói hoặc cử động. Nhất là khi ăn uống những thực phẩm nóng, lạnh sẽ khiến răng trẻ càng bị đau hơn tại những vết loét và phần xung huyết xung quanh.Viêm loét miệng ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, khiến trẻ sụt kí. Thông thường, triệu chứng viêm loét miệng sẽ biến mất sau 1 – 2 tuần, nhưng có thể tái phát.
4. Nấm miệng
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể của trẻ không được tốt hoặc trẻ phải chịu tác động từ những yếu tố bên ngoài, phía trong miệng của trẻ sẽ có những mảng màu trắng xuất hiện trên lưỡi và những vết loét đỏ trên môi, trên vòm miệng, niêm mạc miệng, gọi là nấm miệng. Lúc đó trẻ cảm thấy rát trong miệng hoặc ở cổ họng, bệnh nấm miệng làm tăng lượng vi khuẩn trú ngụ trong miệng có thể gây ra triệu chứng kèm theo là hôi miệng. Điều này không những khiến trẻ khó chịu vì bệnh mà còn mặc cảm và ngại ngùng trong giao tiếp. Cần giúp trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách.
CÁCH PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ.
Những bệnh về răng miệng ở trẻ như sâu răng, viêm nướu, viêm lợi, nấm miệng thật ra không khó để chữa trị, tuy nhiên khi xảy ra nó thường khiến trẻ rất khó chịu, đau nhứt, cảm thấy mất tự ti khi bị bạn trêu ghẹo. Do đó cách tốt nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm và tìm hiểu kỹ những bệnh răng miệng mà trẻ thường gặp nhằm tránh những bệnh lý khác cho trẻ về sau.
Trước và khi đi ngủ phụ huynh hãy cùng trẻ tập vệ sinh răng miệng để tạo thói quen hằng ngày cho trẻ. Nghiêm cấm trẻ tiếp xúc với tăm xỉa răng mà thay vào đó cho trẻ làm quen với chỉ nha khoa nhằm tránh những tổn thương nướu, sưng nướu, đau miệng. Để bảo vệ răng miệng cho trẻ chắc khỏe dùng nước súc miệng hoặc nước muối hằng ngày.
Có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ: Để điều trị và ngăn ngừa các bệnh về răng miệng, các bạn nên chú trọng bổ sung vào bữa ăn của trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin C và B12. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn quá ngọt, nước giải khát có ga, bánh kẹo, đồ ăn nhanh…. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả, những thực phẩm, món ăn dễ tiêu hóa để không gây nhiệt miệng, viêm loét và tổn thương răng miệng.
Đưa trẻ đi khám răng định kỳ: Cứ khoảng 3-6 tháng bạn nên đưa trẻ đến các bệnh viện nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám nhằm phát hiện kịp thời các bệnh về răng miệng để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.